Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Những thói quen gây ra ức chế của các tài xế

Sử dụng điện thoại di động khi lái xe tạo nguy cơ tai nạn cao không kém uống rượu bia. Không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, những tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại còn ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông khác.

Nếu không muốn bị người khác nhìn bằng "ánh mắt hình viên đạn", bạn nên tránh vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại, quên tắt đèn xi-nhan hoặc ngoáy mũi.
Vừa lái xe vừa dùng điện thoại di động

Dù may mắn không tai nạn, các tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại ít nhất cũng sẽ bị mất tập trung, khiến xe lưu thông không ổn định, lấn làn hoặc di chuyển chậm chạp. Điều đó chắc chắn sẽ gây phiền toái và nguy hiểm cho các người lái phía sau.

Chạy ở tốc độ đúng với mức quy định

Khi chạy trên đường có giới hạn tốc độ 65 km/h, bạn đừng nên thoải mái vít ga lên đúng mức quy định mà không lo đến những nguy cơ tiềm ẩn. Các vũng nước sẽ làm giảm khả năng phanh và độ cân bằng của xe nếu di chuyển ở tốc độ đúng bằng mức cao nhất cho phép.

Thực chất, tốc độ tối đa cho phép là giá trị được sử dụng ở điều kiện mặt đường tốt nhất, tầm nhìn thoáng và các phương tiện khác lưu thông an toàn. Do vậy, hãy kiềm chế tốc độ khi chạy trên đường xấu.

Không vệ sinh xe sạch sẽ

Điều gì sẽ xảy ra khi tham gia giao thông, chiếc xe của bạn bị bùn đất của ôtô khác bắn vào? Bạn có thể sẽ bị giới hạn tầm nhìn trong một thời gian ngắn. Ở một số quốc gia, việc không vệ sinh xe sạch sẽ cũng bị coi là phạm pháp.

Vì vậy, hãy dành ra 5 phút để vệ sinh chiếc xe của mình trước khi lên đường. Không chỉ tự tin hơn, bạn còn tránh gây ảnh hưởng đến các phương tiện xung quanh.

Không bật tín hiệu xin đường khi chuyển làn hoặc quên tắt đèn báo rẽ

Bật tín hiệu xi-nhan là một bài học hết sức cơ bản của mỗi tài xế trước khi có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, nhiều người lại đẩy các tài xế khác vào tình trạng bối rối, chẳng biết nên đi như thế nào vì tín hiệu xi-nhan không rõ ràng. Thậm chí, việc không bật tín hiệu xi-nhan khi chuyển làn hoặc quên tắt đèn có thể gây nguy cơ tai nạn.

Bên cạnh đó, việc không bật tín hiệu xi-nhan hoặc quên tắt đèn cũng gây khó chịu cho người điều khiển những phương tiện khác. Hành động đó vô tình sẽ truyền đi thông điệp: "Sự an toàn của bạn chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Việc của tôi luôn quan trọng hơn bạn”. Do đó, hãy luôn ghi nhớ sử dụng đèn xi-nhan đúng cách.

Luôn bật đèn chiếu xa

Lái xe ban đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì tầm nhìn bị hạn chế. Tầm nhìn càng hẹp thì khả năng điều khiển của bạn càng bị giới hạn. Vì vậy, nhiều người đã chọn phương án luôn luôn bật đèn chiếu xa hết công suất.

Hãy thử mường tượng cảnh một luồng ánh sáng mạnh gấp hàng trăm nghìn lần ánh nến rọi thẳng vào võng mạc của bạn? Đó không đơn giản chỉ là sự làm phiền nhỏ nữa rồi. Thay vào đó, khả năng lái xe an toàn của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi bạn sử dụng đèn chiếu xa, tài xế đối diện sẽ bị lóa mắt nên không thể xác định chính xác vị trí xe của bạn. Do đó, việc họ đâm vào xe bạn chỉ còn là vấn đề may rủi. Lời khuyên dành cho bạn là chỉ sử dụng đèn chiếu xa khi phía đối diện không có xe nào đang đến gần. Nếu có, bạn hãy ngay lập tức chuyển sang chế độ chiếu gần.

Sử dụng các linh kiện bị lỗi

Việc tiết kiệm ngân sách bằng cách tận dụng các linh kiện cũ chẳng những không giúp cắt giảm chi phí mà còn gây nguy hiểm đến chính bản thân bạn khi tham gia giao thông. Sẽ thế nào nếu bạn đưa một chiếc xe mòn lốp, pit-tông giảm xóc bị khô dầu, đèn tín hiệu cháy và cần gạt nước xác xơ ra đường? Bạn có thể gây tai nạn và phải bồi thường cho các tài xế khác. Chi phí cuối cùng mà bạn bỏ ra thậm chí còn cao hơn so với số tiền mà bạn muốn tiết kiệm bằng cách tận dụng linh kiện cũ.

Đừng tiết kiệm không đúng cách. Việc bảo dưỡng và thay thế linh kiện của xe không chỉ có lợi cho riêng bạn. Hãy đặt yếu tố an toàn của bạn lên hàng đầu và thay thế linh kiện cũ ngay khi chúng xuống cấp.

Chiếm hai chỗ tại bãi đỗ xe

Còn gì bực mình hơn khi chứng kiến một tài xế nào đó coi trọng nước sơn trên chiếc BMW hơn việc phải đỗ xe đúng vị trí của mình trong bãi đỗ.

Nếu lái một chiếc xe đắt tiền và không muốn đỗ quá sát với những phương tiện khác, bạn hãy chọn góc trong cùng của bãi đỗ xe. Bằng cách đó, bạn có thể tự bảo vệ chiếc xe của mình mà không cần phải lo lắng người khác sẽ làm xước xế cưng.

Chiếm làn trong cùng bên trái suốt quãng đường

Trong công việc, tất cả chúng ta cần phối hợp cùng nhau nếu muốn về nhà đúng giờ. Tham gia giao thông cũng vậy. Việc chuyển làn sang bên phải khi có xe xin vượt bên trái là một điều nên làm. Cứ khư khư giữ làn bên trái sẽ khiến mọi người phía sau luôn bị động và chạy theo bạn, hoặc vượt bên phải không an toàn.

Cho dù bạn di chuyển với tốc độ giới hạn của làn đường thì việc luôn chiếm làn trong cùng cũng sẽ gây phiền toái cho rất nhiều tài xế khác. Vì vậy, hãy sử dụng làn đường vượt để vượt qua các xe khác. Khi đã vượt thành công, bạn hãy luôn để mắt đến gương chiếu hậu để xem có xe nào phía sau muốn vượt lên hay không. Nếu có, hãy chuyển làn để nhường đường.

Không nhận lỗi và cư xử thiếu thiện chí khi xảy ra va chạm

Khi ai đó lái xe qua mà không thèm để ý đến sự có mặt của bạn trên đường, bạn hãy bấm còi nếu cảm thấy không an toàn. Không nhất thiết phải nổi cáu và phản ứng tiêu cực với tài xế khác.

Tương tự, khi bạn chẳng may thực hiện một cú tạt đầu, đừng vội vã lờ đi vì nhận ra mình vừa suýt gây ra một cú đâm dồn toa cho 5 chiếc xe phía sau. Hãy nhận ra cái sai của mình và nói “ xin lỗi” dù bạn sẽ cảm thấy hơi xấu hổ một chút. Hãy ra hiệu là bạn cảm thấy hối lỗi và mọi người sẽ sẵn lòng bỏ qua.

Nếu mọi người đều nhận ra lỗi của mình trên đường và đồng thời cũng biết vị tha cho người khác thì việc tham gia giao thông sẽ trở nên nhân văn hơn rất nhiều. Hãy ghi nhớ quy tắc vàng là đối xử với người khác giống như cách mà bạn muốn được đối xử, cả trong cuộc sống lẫn khi tham gia giao thông.

Chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc an toàn

Nếu đang lái xe với hàng hóa chằng buộc phía sau, bạn chắc chắn sẽ lo sợ hàng hóa bị rơi xuống mặt đường hoặc văng vào xe phía sau bất kỳ lúc nào. Do đó, nếu chở đồ không vừa với cốp, bạn nên nhờ đến sự tư vấn chuyên nghiệp để chằng néo thật an toàn trước khi lên đường. Bạn có thể dùng thêm những tấm gỗ phẳng để che chắn khi chở đồ cồng kềnh.

Vừa đi vừa ngoáy mũi

Bạn không thể cấm người khác ngoáy mũi khi đang lái xe. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh người khác ngoáy mũi, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu. Người khác nhìn thấy bạn ngoáy mũi cũng sẽ có cảm giác tương tự.

Đừng nghĩ là không có ai đang nhìn bạn, đặc biệt là khi dừng đèn đỏ tại ngã tư, mà vô tư ngoáy mũi. Bạn có thể ngoáy mũi ở đâu đó nhưng không phải trên đường hay lúc dừng chờ đèn đỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét