Có thể nói, bị mắc kẹt trong chiếc xe đang bị chìm xuống nước là trải nghiệm kinh khủng mà chẳng ai muốn nếm thử một lần. Đây là loại tai nạn cực kỳ nguy hiểm vì nguy cơ bị chết đuối rất cao.
Nếu hiểu biết và nhanh chóng hành động, những người bị mắc kẹt trong xe chìm nước hoàn toàn có thể thoát chết.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phần lớn những người tử vong vì bị mắc kẹt trong xe chìm nước đều quá sợ hãi đến mức không thể tự cứu bản thân mình. Nếu hiểu biết và nhanh chóng hành động, những người bị mắc kẹt trong xe chìm nước hoàn toàn có thể thoát chết.
Dưới đây là những bước bạn cần thực hiện để tự cứu bản thân khi bị mắc kẹt trong xe chìm nước.
Bước 1: Chuẩn bị ứng phó với cú va chạm xuống mặt nước
Cầm vô-lăng đúng cách
Khi nhận thức chuyện chiếc xe bị lao ra khỏi đường và lao xuống nước, bạn phải nhanh chóng chuẩn bị để ứng phó. Cụ thể, bạn hãy đặt cả hai tay lên vô-lăng theo vị trí 9-3 giờ. Cú va chạm giữa xe với nước có thể khiến túi khí bung ra, do đó, những vị trí cầm vô-lăng khác sẽ khiến bạn bị thương nặng.
Nếu cầm vô-lăng theo vị trí 10-2 giờ, khi túi khí bung ra, tay bạn sẽ bị đập vào mặt và gây thương tích. Hãy nhớ, túi khí bung ra rất nhanh, chỉ trong vòng 0,04 giây sau khi được kích hoạt.
Giữ bình tĩnh
Sự sợ hãi sẽ làm giảm năng lượng của cơ thể, hút hết lượng không khí quý giá và khiến đầu óc bạn trống rỗng. Do đó, hãy dành thời gian để nghĩ đến những gì cần làm tiếp theo và tập trung vào tình huống bạn đang phải đối mặt.
Bước 2: Tháo dây an toàn
Theo giáo sư, tiến sỹ Gordon Geisbrecht chuyên nghiên cứu về tình huống xe bị chìm xuống nước, thứ đầu tiên bạn phải chú ý đến chính là dây an toàn. Nhiều người khi bị chìm xuống nước đã quá sợ hãi đến mức quên tháo dây an toàn. Phương châm của ông Geisbrecht chính là "dây đai an toàn, trẻ em, cửa sổ và thoát ra ngoài" (S-C-W-O).
Sau đó, tháo dây an toàn cho trẻ nhỏ trong xe, nếu có. Bạn nên tháo dây an toàn cho đứa lớn trước để chúng tự làm như vậy với các em.
Đừng nghĩ đến chuyện gọi điện thoại. Chiếc xe đang chìm không chờ bạn gọi điện thoại cho người thân để trình bày về tình huống gặp phải. Một số người đã mất mạng chỉ vì muốn thực hiện một cú điện thoại.
Bước 3: Mở cửa sổ càng sớm càng tốt
Theo lời khuyên của giáo sư Geisbrecht, bạn không cần nghĩ đến chuyện mở cửa trong tình huống xe bị chìm xuống nước. Thay vào đó, hãy tập trung vào cửa sổ.
Hệ thống điện của xe có thể tiếp tục hoạt động trong vòng 3 phút sau khi xe rơi xuống nước. Vì thế, nếu xe bạn được trang bị cửa sổ chỉnh điện, hay thử mở như bình thường.
Nhiều người vì quá sợ hãi nên không nghĩ đến chuyện có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ. Họ chỉ nghĩ cửa mới là lối thoát duy nhất khi xe bị chìm.
Giáo sư Geisbrecht cho biết, có một số lý do chính đáng để bạn không mở cửa khi xe bị chìm xuống nước. Đầu tiên, bạn chỉ có vài giây ngắn ngủi để mở cửa khi xe chạm xuống mặt nước. Sau khi xe bắt đầu bị chìm, bạn rất khó để mở cửa, trừ khi áp lực trong và ngoài xe đã được cân bằng.
Tất nhiên, áp lực sẽ chỉ được cân bằng khi trong khoang lái ngập nước. Đây là điều chắc chắn không ai muốn.
Thêm vào đó, nếu mở cửa, nước sẽ nhanh chóng tràn vào nội thất và không cho xe thời gian nổi để bạn thoát ra ngoài. Trong các thử nghiệm của giáo sư Geisbrecht, 30 chiếc xe đều nổi trong vòng 30 giây đến 2 phút. Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian đó để thoát ra ngoài.
Cũng có những loại xe được trang bị công nghệ hiện đại sẽ đóng chặt cửa khi bị chìm. Vì thế, bạn sẽ không thể mở cửa để thoát ra ngoài.
Nơi chứa động cơ sẽ là phần bị ngập xuống nước nhanh hơn. Do đó, chiếc xe sẽ rơi vào trạng thái chổng đầu hoặc đuôi lên trời. Trong trường hợp này, bạn có thể mở cửa để thoát ra khi xe vẫn đang nổi.
Bước 4: Đập vỡ cửa sổ
Nếu không thở mở cửa sổ hoặc chỉ mở một nửa, bạn cần phải đập vỡ nó. Bạn có thể dùng một vật cứng hoặc đạp vỡ cửa sổ bằng chân. Sau khi đập vỡ cửa sổ, nước sẽ tràn vào bên trong. Tuy nhiên, cửa sổ càng mở sớm thì bạn càng có nhiều cơ hội để thoát ra ngoài.
Nếu đi giày cao gót, bạn nên đạp vào giữa cửa sổ. Cần nhớ rằng, việc đạp vỡ cửa sổ không hề đơn giản. Vì thế, bạn phải tìm những điểm dễ vỡ của cửa sổ để đạp vào.
Đừng thử đạp vỡ kính chắn gió vì nó được làm từ loại thủy tinh rất bền. Nếu đạp vỡ được kính chắn gió, bạn cũng khó thoát ra ngoài hơn vì sự kết dính của thủy tinh.
Nếu có vật cứng hoặc nặng, bạn cũng nên nhắm vào giữa cửa sổ mà đập. Bạn có thể dùng hòn đá, cái búa, khóa vô-lăng, cái ô, tuốc nơ vít, máy tính xách tay, camera cỡ lớn... để đập cửa sổ.
Bước 5: Thoát ra ngoài qua cửa sổ vỡ
Thở thật sâu và bơi qua cửa sổ ngay sau khi đập vỡ nó. Nước sẽ tràn vào trong, bạn nên chuẩn bị tinh thần và dùng hết sức để bơi ra ngoài. Theo thử nghiệm của giáo sư Geisbrecht, bạn hoàn toàn có thể bơi ra trong tình huống này.
Hãy để ý đến trẻ con đầu tiên. Kéo chúng lên mặt nước càng sớm càng tốt. Nếu bọn trẻ không biết bơi, hãy kiếm thứ gì đó có thể nổi để chúng bám vào hoặc để người lớn đi kèm.
Khi bạn thoát ra khỏi xe, đừng đạp chân để không làm người khác bị thương. Hãy dùng tay để bơi lên trên mặt nước.
Quần áo và những vật dụng nặng trong túi có thể khiến bạn bị chìm. Vì thế, hãy vứt bỏ giày dép và cởi những quần áo nặng bên ngoài để bơi dễ dàng hơn.
Bước 6: Thoát ra ngoài khi nước đã tràn hết vào xe
Trong tình huống xấu nhất khi nước đã ngập toàn bộ xe, bạn phải di chuyển thật nhanh và chính xác để đảm bảo mạng sống. Nước sẽ tràn vào nội thất trong vòng 60-120 giây.
Giữ bình tĩnh để mở cửa hoặc đập vỡ cửa sổ. Mím chặt môi để giữ hơi thở và tránh uống no nước rồi bơi ra ngoài.
Bước 7: Bơi lên mặt nước càng nhanh càng tốt
Nếu không biết bơi theo hướng nào, bạn hãy đi theo phía có ánh sáng hoặc bong bóng. Hãy để ý những vật xung quanh như đá, dầm cầu bằng xi măng hoặc thậm chí thuyền chạy ngang qua. Cố hết sức để cơ thể không bị thương. Bám lấy cành cây hoặc những vật nổi khác nếu bạn bị thương hoặc kiệt sức.
Bước 8: Gọi cấp cứu
Adrenaline sản sinh khi sợ hãi có thể khiến bạn không nhận ra những vết thương trên cơ thể. Hãy gọi người giúp đỡ hoặc cấp cứu ngay khi có thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét